Những năm qua, công nghệ viễn thám ngày càng phát triển và được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Xu hướng phát triển của công nghệ viễn thám Việt Nam và thế giới dự báo có nhiều đổi mới trong ứng dụng vào đời sống xã hội, trở thành công cụ hữu dụng phục vụ công tác quản lý, giám sát đa ngành, đa lĩnh vực. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT).PV: Xin ông cho biết vai trò của công nghệ viễn thám trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay?Ông Lê Quốc Hưng: Tư liệu viễn thám là nguồn thông tin rất quan trọng cho nhiều lĩnh vực như bản đồ, điều tra và quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, quy hoạch phát triển, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Với ưu thế phong phú thông tin, phản ánh một cách chính xác sự phân bố và trạng thái của các đối tượng trên mặt đất, mặt nước cũng như các mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa các đối tượng cùng các hoạt động nên công nghệ này đã bao quát được hầu hết các mặt đời sống, kinh tế - xã hội khi có được hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thu, nhận, phân tích ảnh.Ảnh viễn thám có thể thu nhận bằng nhiều kỹ thuật khác nhau nên có thể cung cấp được nhiều loại thông tin quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực. Kỹ thuật viễn thám cho phép thu được thông tin nhanh cùng lúc trên những vùng rộng lớn đến phạm vi cả nước, khu vực, kể cả những vùng con người khó đến được và đảm bảo hình ảnh thực tại thời điểm chụp. Đồng thời, cho phép thu nhận thông tin lặp lại theo các chu kỳ khác nhau (hàng ngày, 5 - 26 ngày, mùa, năm...) nhờ đó, sử dụng tư liệu viễn thám có thể theo dõi sự biến động của nhiều đối tượng một cách liên tục, tự động mà không cần nguồn nhân lực đến tận nơi ghi nhận.PV: Được biết, viễn thám là một trong những phương tiện chủ đạo và hiệu quả trong công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, xin ông cho biết ở Việt Nam việc áp dụng công nghệ này đã mang lại những hiệu quả như thế nào trong giám sát tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu?Ông Lê Quốc Hưng: Đúng vậy, công nghệ viễn thám đang có những bước phát triển nhanh trong vài thập kỷ trở lại đây. Thông tin thu thập từ vệ tinh quan trắc trái đất ngày càng có độ chi tiết cao, với tần xuất ngày càng cải thiện. Việc kết hợp công nghệ viễn thám với công nghệ truyền thống trong quan trắc môi trường cho phép cải thiện độ chính xác thông tin quan trắc. Mặc dù việc đưa công nghệ viễn thám vào quan trắc, giám sát môi trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với xu thế của thời đại, với đường lối lãnh đạo sáng suốt của đảng và nhà nước, với quyết tâm bảo vệ môi trường của ngành Tài nguyên và Môi trường thì công nghệ viễn thám sẽ ngày càng được sử dụng nhiều trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường ở nước ta.Thực hiện chức năng nhiệm vụ được Bộ TN&MT giao, Cục Viễn thám quốc gia đã và đang thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai giám sát bằng công nghệ viễn thám. Trong khuôn khổ Đề án đã được Bộ TN&MT phê duyệt: “Ứng dụng viễn thám giám sát thường xuyên phục vụ các lĩnh vực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường”với mục tiêu chung là: Sử dụng viễn thám cung cấp thường xuyên, đột xuất thông tin về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ các lĩnh vực của Bộ, trong đó tập trung vận hành CSDL ảnh vệ tinh, các lớp thông tin địa lý là sản phẩm của của các đề án, dự án, nhiệm vụ đã được thực hiện trước đây. Cụ thể đã đạt các kết quả gồm: Cung cấp thông tin khai thác sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công; Giám sát thực hiện quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác quặng bô-xít; Cung cấp báo cáo giám sát theo mùa các thông số về nhiệt độ, hàm lượng diệp lục, hàm lượng muối bề mặt nước biển và đưa ra thông tin về cảnh báo môi trường biển; Cung cấp thông tin, dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính phục vụ xây dựng báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu; Báo cáo giám sát diện tích đất ngập nước và các khu bảo tồn thiên nhiên phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; Giám sát lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; Giám sát tình hình biến động các đảo trọng điểm xa bờ; Báo cáo giám sát nhanh thiên tai ngập lụt trên lãnh thổ Việt Nam, trong năm 2023 vừa qua đã thực hiện giám sát thiên tai ở các tỉnh: Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.Hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia giao cho Trung tâm Giám sát TN&MT và BĐKH bố trí nhân lực thường xuyên theo dõi và sẵn sàng ứng phó trong việc đáp ứng nhanh các vụ việc cần đến vai trò công nghệ cao trong cung cấp dữ liệu, số liệu, hình ảnh trực quan trong công tác phản ứng nhanh về các sự cố môi trường và thiên tai khi có yêu cầu từ Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia để hỗ trợ trong công tác dự báo, cảnh báo cũng như các đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT.Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục là cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 hỗ trợ, hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý để tăng cường công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong các hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT ở địa phương; tiếp tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực viễn thám, trong đó hướng dẫn và quy định rõ trách nhiệm trong ứng dụng và công tác quản lý nhà nước về viễn thám tại địa phương; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám phù hợp với từng lĩnh vực ngành TN&MT đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về viễn thám.Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, khai thác, sử dụng công nghệ viễn thám trong giám sát, quản lý TN&MT cho cán bộ chuyên môn của các Sở; hỗ trợ địa phương trong xây dựng kế hoạch, đề án, dự án về viễn thám trong địa bàn; triển khai các chương trình, đề án, dự án ứng dụng viễn thám tại địa phương để đẩy mạnh được việc ứng dụng công nghệ viễn thám và nâng cao được trình độ quản lý về lĩnh vực viễn thám tại địa phương.Đặc biệt, trong thời gian qua, công nghệ viễn thám đã đem lại rất nhiều hiệu quả trong nghiên cứu tai biến tự nhiên và hỗ trợ thông tin nhanh phục vụ cảnh báo và giám sát các hiện tượng bão lũ. Cụ thể, Trạm thông tin vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ (WINDS-VSAT) đặt tại Trung tâm Giám sát tài nguyên môi trường và thiên tai (Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường) – một đầu mối thu nhận và xử lý thông tin hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp thuộc Hệ thống hỗ trợ quản lý thiên tai châu Á Thái bình dương (Sentinel Asia). PV: Công nghệ viễn thám ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với xu hướng phát triển như vũ bão của các công nghệ mới, công nghệ hiện đại. Điều này đòi hỏi Cục Viễn thám quốc gia phải có những kế hoạch, định hướng nào cho tương lai, thưa ông?Ông Lê Quốc Hưng: Xu hướng phát triển của công nghệ viễn thám của thế giới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có thể sẽ rất khác so với công nghệ hiện tại đang sử dụng và nhiều khái niệm mới về hệ thống viễn thám, công nghệ viễn thám cũng sẽ ra đời. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phân tích dự báo và nắm bắt được các xu thế đó để có định hướng phát triển khoa học và công nghệ phù hợp. Việc “đi tắt đón đầu” sẽ tận dụng được tri thức của nhân loại cũng như rút ngắn khoảng cách về trình độ thông qua hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và phát triển công nghệ.Để đón đầu xu thế mới, Cục Viễn thám quốc gia cho rằng, cần ưu tiên các nhóm công nghệ chủ chốt của lĩnh vực trong giai đoạn tới, tập trung sự đầu tư nghiên cứu, phát triển vào các nhóm công nghệ này. Hiện Cục đang tiếp tục đẩy mạnh đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tập trung vào nhóm giải pháp cung cấp cơ sở khoa học, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước về hoạt động viễn thám; cải tiến quy trình công nghệ theo hướng tự động hóa ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường.Đồng thời, tăng cường đầu tư để hoàn thiện hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh; mạng lưới trạm thu viễn thám; hệ thống lưu trữ và xử lý, cơ sở dữ liệu viễn thám; mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám.Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, đặt mục tiêu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt trái đất từ các thiết bị bay không người lái, kinh khí cầu; xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.Đồng thời ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám.PV: Trân trọng cảm ơn ông!