Sign In

ĐỀ XUẤT MỨC THU PHÍ KHAI THÁC VÀ LƯU TRỮ DỮ LIỆU VIỄN THÁM QUỐC GIA: CẦN THIẾT VÀ PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Trong bối cảnh nhu cầu khai thác dữ liệu viễn thám phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng tăng, Cục Viễn thám quốc gia đã xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đề án “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai

10:20 15/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Dữ liệu viễn thám – tài nguyên số quan trọng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Dữ liệu viễn thám hiện đang đóng vai trò thiết yếu trong nhiều lĩnh vực như: quy hoạch đô thị, giám sát tài nguyên rừng, đất đai, theo dõi thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, quốc phòng và an ninh. Cục Viễn thám quốc gia đang quản lý một kho dữ liệu khổng lồ, gồm hàng chục nghìn cảnh ảnh vệ tinh Spot, VNREDSat-1, WorldView, Pleiades... cùng hàng ngàn mảnh bình đồ tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, khối dữ liệu này vẫn chưa được khai thác phổ biến và hiệu quả.

Theo thống kê, từ năm 2017 đến 2021, tổng số phí thu được từ khai thác dữ liệu viễn thám chỉ đạt hơn 400 triệu đồng – con số khá khiêm tốn so với giá trị và chi phí vận hành thực tế của cơ sở dữ liệu này.

Đề án đề xuất khung mức thu phí hợp lý, công bằng. Đề án do Cục Viễn thám quốc gia xây dựng đã đề xuất các mức thu phí khai thác và lưu trữ dữ liệu viễn thám dựa trên các yếu tố: chi phí trực tiếp (nhân công, vật tư, điện năng...), chi phí quản lý chung, và đặc tính kỹ thuật từng loại dữ liệu. Mức thu được tính toán chi tiết cho từng loại ảnh viễn thám theo đơn vị (km² hoặc mảnh bản đồ), đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của các tổ chức, cá nhân sử dụng. Đồng thời, đề án cũng quy định các đối tượng được miễn, giảm phí, đặc biệt trong các trường hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, thiên tai, chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao...

Căn cứ pháp lý đầy đủ, phù hợp chủ trương xã hội hóa dịch vụ công. Đề án được xây dựng dựa trên hệ thống văn bản pháp lý như: Luật Phí và lệ phí (2015), Luật Lưu trữ (2024), Luật Đo đạc bản đồ (2018), Nghị định 120/2016/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-BTNMT, cùng các công văn chỉ đạo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy định hiện hành (Thông tư 39/2023/TT-BTC) chỉ tập trung vào phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám, chưa có điều chỉnh đầy đủ đối với phí lưu trữ và duy trì cơ sở dữ liệu. Đề án mới mở rộng phạm vi đến cả lưu trữ, bảo quản, phục hồi và quản lý lâu dài dữ liệu viễn thám — đây là phần hoạt động chiếm chi phí lớn nhưng chưa được định phí đầy đủ trong các văn bản hiện hành.

Đề án đưa ra cơ cấu chi tiết: chi phí nhân công, điện, vật tư, sao lưu, phục hồi..., khác với các biểu phí hiện hành chủ yếu dựa trên giá trị dữ liệu. Nhờ vậy, mức thu phản ánh thực chất chi phí vận hành và giúp đơn vị quản lý có cơ sở tính toán bền vững.

Đề án chỉ ra rằng mức thu hiện nay chưa đủ bù chi (tỷ lệ giữ lại cần thiết > 100%), từ đó đề xuất cơ chế thu – chi phù hợp hoặc bù đắp từ các dịch vụ khác. Đây là điểm lần đầu tiên được lượng hóa cụ thể trong xây dựng chính sách về phí dữ liệu viễn thám.

Đề án trực tiếp hướng đến việc thực hiện Quyết định 149/QĐ-TTg (Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia), gắn khai thác phí với thực hiện các nhiệm vụ chiến lược như chuyển đổi số, quản lý tài nguyên, an ninh – quốc phòng...

Việc xây dựng đề án còn nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công có thu, đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời tạo nguồn thu ổn định phục vụ công tác quản lý và vận hành hệ thống lưu trữ.

Một trong những khó khăn lớn hiện nay là mức thu phí trung bình hàng năm chỉ đạt khoảng 81 triệu đồng – chưa đủ bù đắp cho chi phí vận hành cơ sở dữ liệu lên đến gần 1 tỷ đồng/năm. Dù vậy, đơn vị vẫn đề xuất nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, và tự cân đối từ nguồn dịch vụ khác để duy trì hoạt động.

Cục Viễn thám quốc gia kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về khả năng và lợi ích của việc khai thác dữ liệu viễn thám.

Để triển khai Đề án này Cục cần hoàn thiện thể chế và quy trình nội bộ, sửa đổi Thông tư số 39/2023/TT-BTC ngày 09 tháng 6 năm 2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia. Ban hành quy trình nội bộ chi tiết về tiếp nhận, thu, lưu trữ, xuất dữ liệu, quản lý phí và quyết toán minh bạch.

Chuẩn hóa hạ tầng và cơ sở dữ liệu. Nâng cấp hạ tầng lưu trữ: hệ thống máy chủ, phần mềm bảo quản dữ liệu số, thiết bị sao lưu và khôi phục. Rà soát và cập nhật cơ sở dữ liệu viễn thám để chuẩn bị cung cấp theo cơ chế mới.

Tập huấn và đào tạo cán bộ. Tổ chức đào tạo về quy trình thu – chi, quản lý phí, định giá sản phẩm dữ liệu. Nâng cao năng lực cán bộ trong vận hành hệ thống và khai thác hiệu quả tài nguyên dữ liệu. Phối hợp liên ngành giữa các Bộ, ngành để để thống nhất nguồn thu, cách phân bổ ngân sách nếu có giữ lại phần phí. Làm việc với các bộ, ngành, địa phương để quảng bá, hướng dẫn sử dụng dữ liệu và khuyến khích khai thác. Tuyên truyền và quảng bá rộng rãi, xây dựng chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của Cục để phổ biến thông tin về mức thu, cách tiếp cận, đăng ký khai thác dữ liệu.

Việc xây dựng và ban hành Đề án thu phí khai thác, lưu trữ dữ liệu viễn thám quốc gia là yêu cầu cấp thiết, không chỉ nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả tài nguyên số, mà còn góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2040 theo Quyết định 149/QĐ-TTg. Đây là bước đi quan trọng để viễn thám trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ phát triển bền vững đất nước trong thời đại số.

Lê Minh Quang

Ý kiến

Phát triển khoa học công nghệ: Bắt đầu từ những vấn đề nhỏ và thực tế

Với phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số thì 'trước khi nghĩ đến những vấn đề lớn, chúng ta phải bắt đầu từ những vấn đề nhỏ và thực tế'.
Công bố 32 sản phẩm, giải pháp, sáng kiến khoa học tiêu biểu

Công bố 32 sản phẩm, giải pháp, sáng kiến khoa học tiêu biểu

32 sản phẩm, giải pháp, sáng kiến khoa học tiêu biểu đã được đánh giá, thẩm định và lựa chọn để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử nq57.mst.gov.vn.
Vệ tinh VNREDSat-1 đã gửi hình ảnh về Việt Nam

Vệ tinh VNREDSat-1 đã gửi hình ảnh về Việt Nam

Vệ tinh VNREDSat-1 bị lỗi không thu nhận hình ảnh sau 10 năm hoạt động, hiện đã được khắc phục, hoạt động trở lại.