Sign In

Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 /12/2024 của bộ chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành nông nghiệp và môi trường

10:10 15/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”.

Lãnh đạo Cục Viễn thám quốc gia tại Hội nghị

Ngày 10/5/2025, Hội nghị “Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ chính trị về đột phá và phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành nông nghiệp và môi trường diễn ra tại thành phố Bắc Ninh.

Tại Hội nghị chuyên đề Môi trường, Tài nguyên nước, Viễn thám chiều ngày 10/5 trong khuôn khổ Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, PGS.TS. Phạm Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia đã đọc báo cáo tham luận về viễn thám.

PGS.TS. Phạm Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia

Theo PGS.TS. Phạm Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, công nghệ viễn thám nổi lên như một công cụ then chốt trong việc giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại. Cục Viễn thám quốc gia đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển bền vững đất nước. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia hiện do Cục Viễn thám quốc gia vận hành là một kho dữ liệu không gian đồ sộ, với gần 100.000 ảnh vệ tinh được thu nhận từ 16 loại đầu thu khác nhau như VNREDSat-1 (Việt Nam), SPOT6, KOMPSAT-3A, Worldview, Landsat hay sắp tới là ảnh radar CosmoSkymed (Ý). Khối lượng dữ liệu tăng trưởng đều đặn khoảng 20% mỗi năm, đáp ứng nhu cầu giám sát đa lĩnh vực từ nông nghiệp, môi trường đến quốc phòng - an ninh.

Đây chính là nền tảng quan trọng để triển khai các chương trình giám sát thông minh, hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Công nghệ viễn thám phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước

Trong những năm qua, Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ ứng dụng viễn thám, mang lại hiệu quả rõ rệt trong thực tiễn.

Ngay trong trận bão Yagi lịch sử đổ bộ vào miền Bắc tháng 9/2024, Trung tâm Giám sát tài nguyên và môi trường đã phối hợp vận hành hệ thống Sentinel Asia, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, cứu hộ cứu nạn.

Ở vùng biển đảo xa bờ, công nghệ viễn thám được ứng dụng để thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, phục vụ phát triển kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong khi đó, tại lưu vực sông Hồng và sông Mê Kông, viễn thám đo cao vệ tinh được sử dụng để giám sát mực nước tại các hồ chứa, hỗ trợ dự báo lũ và điều tiết nguồn nước.

Ngoài ra, công nghệ viễn thám đã được triển khai để giám sát quy hoạch sử dụng đất tại 63 tỉnh, thành; theo dõi biến động rừng phục vụ kiểm kê rừng toàn quốc; quan trắc sụt lún đất tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long với độ chính xác tới từng cm. Đặc biệt, dữ liệu viễn thám còn được tích hợp phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo hướng dẫn của IPCC, đây là một bước tiến lớn trong thực hiện cam kết giảm phát thải của Việt Nam.

Theo Nghị quyết 57-NQ/TW, Đảng và Nhà nước xác định rõ: đầu tư cho khoa học và công nghệ chính là đầu tư cho phát triển. Đây là cơ hội vàng để lĩnh vực viễn thám bứt phá, tận dụng nguồn lực đầu tư và cơ chế chính sách mới nhằm đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây và công nghệ chuỗi khối vào các bài toán giám sát nhanh, tự động hóa trong nông nghiệp và môi trường.

Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Trần Tuấn Ngọc cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tại gian hàng triển lãm về công nghệ viễn thám.

Tại triển lãm, Cục Viễn thám quốc gia đã trình bày các sản phẩm, giải pháp ứng dụng viễn thám phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát biến đổi khí hậu, cảnh báo thiên tai, nông nghiệp thông minh và quy hoạch đô thị. Các hệ thống dữ liệu ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, nền tảng phân tích dữ liệu viễn thám bằng trí tuệ nhân tạo (AI), và ứng dụng tích hợp dữ liệu viễn thám vào hệ thống thông tin địa lý (GIS) là những điểm nhấn nổi bật.

Thông qua hoạt động triển lãm, Hội nghị không chỉ góp phần làm rõ vai trò của viễn thám trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia mà còn mở ra diễn đàn kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu thực hiện thành công các nội dung đột phá mà Nghị quyết 57-NQ/TW đã đề ra.

Phòng Cơ sở hạ tầng viễn thám

Ý kiến

Phát triển khoa học công nghệ: Bắt đầu từ những vấn đề nhỏ và thực tế

Với phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số thì 'trước khi nghĩ đến những vấn đề lớn, chúng ta phải bắt đầu từ những vấn đề nhỏ và thực tế'.
Công bố 32 sản phẩm, giải pháp, sáng kiến khoa học tiêu biểu

Công bố 32 sản phẩm, giải pháp, sáng kiến khoa học tiêu biểu

32 sản phẩm, giải pháp, sáng kiến khoa học tiêu biểu đã được đánh giá, thẩm định và lựa chọn để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử nq57.mst.gov.vn.
Vệ tinh VNREDSat-1 đã gửi hình ảnh về Việt Nam

Vệ tinh VNREDSat-1 đã gửi hình ảnh về Việt Nam

Vệ tinh VNREDSat-1 bị lỗi không thu nhận hình ảnh sau 10 năm hoạt động, hiện đã được khắc phục, hoạt động trở lại.