Trong năm 2023 và 2024 Cục đã chủ trì và tham dự một số hội thảo quốc tế: (1) Hội thảo “Tăng cường mạng lưới hơp tác quốc tế giữa các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực không gian khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” từ ngày 30 - 31 tháng 5 năm 2024 tại Thái Lan; (2) Khóa đào tạo ngắn hạn về “Giảm thiểu rủi ro thiên tai” trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ về Vũ trụ từ ngày 03 - 14 tháng 6 năm 2024 tại TP. Dehradun, Ấn Độ; (3) Hội thảo chuyên gia trạm thu mặt đất ASEAN từ ngày 13 - 14 tháng 9 năm 2024 tại Malaysia; (4) Hội nghị COSTI và cuộc họp SCOSA từ ngày 07 - 10 tháng 10 năm 2024 tại Singapore. Sự tham gia của đoàn cán bộ Việt Nam tại hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo quốc tế nêu trên khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy hợp tác, triển khai dự án chung, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực vũ trụ nói chung, viễn thám nói riêng giữa các nước trong khu vực ASEAN và ASEAN với các đối tác nước ngoài. Cục cũng chú trọng nâng cao chất lượng hợp tác sâu rộng, cụ thể thông qua ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU). Hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia và Cơ quan Phát triển Công nghệ Vũ trụ và Địa tin học Thái Lan (GISTDA) đang trong quá trình xây dựng và thống nhất nội dung MOU hợp tác trong lĩnh vực sử dụng không gian vũ trụ và địa-tin học vì mục đích hòa bình. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ MOU sẽ tập trung vào: (1) Công nghệ vệ tinh và không gian; (2) Địa-tin học, dữ liệu quan sát Trái đất và các ứng dụng; (3) Chính sách và luật không gian; (4) Quản lý giao thông không gian (STM) và Nhận thức tình hình không gian (SSA); (5) Cơ sở hạ tầng không gian và thiết bị trên mặt đất; (6) Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và thúc đẩy giáo dục không gian; và (7) Thúc đẩy ngành công nghiệp không gian. Dự kiến trong thời gian tới, Cục Viễn thám quốc gia sẽ hoàn thiện hồ sơ MOU trình Bộ xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành và đơn vị liên quan trước khi tiến hành thủ tục xin phê duyệt ký kết. Hiện nay Cục đang quản lý và triển khai các dự án hợp tác ASEAN như Dự án hợp tác ASEAN - Ấn Độ “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” sử dụng kinh phí ASEAN - Ấn Độ. Dự án xuất phát từ sáng kiến của Thủ tướng Ấn Độ tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN- Ấn Độ lần thứ 8 tại Hà Nội ngày 30/10/2010 đề xuất xây dựng cho các nước ASEAN một Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh của Ấn Độ phục vụ các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dự án sẽ góp phần thúc đẩy đối thoại chiến lược giữa các nước ASEAN và Ấn Độ, cung cấp thêm nguồn dữ liệu vệ tinh phục vụ quy hoạch phát triển và quản lý thiên tai, đồng thời đào tạo nhân lực cho ASEAN về kỹ năng và kiến thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ viễn thám. Đến thời điểm hiện tại, Cục Viễn thám quốc gia đã hoàn thành việc cung cấp mặt bằng ở tỉnh Bình Dương và hoàn thiện bản thiết kế cơ sở cho công trình sử dụng vốn đối ứng Việt Nam để triển khai công tác xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án. Cơ quan nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đã hoàn thành công tác khảo sát địa chất tại địa điểm dự án và ký kết hợp đồng thiết kế cơ sở với đối tác Việt Nam cho công trình sử dụng kinh phí quỹ ASEAN - Ấn Độ. Trong năm 2025, Cục Viễn thám quốc gia đề xuất một số nội dung hợp tác ASEAN như: (1) Hợp tác trong xây dựng chính sách không gian vũ trụ, đặc biệt là thể chế quản lý không gian vũ trụ; (2) Đề xuất hợp tác chia sẻ dữ liệu viễn thám giữa các nước trong khu vực ASEAN; (3) Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung với các đối tác lớn về công nghệ vũ trụ, viễn thám như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…trong phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát lãnh thổ, tài nguyên, môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu cho Việt Nam và khu vực ASEAN.