Qua hơn mười năm hoạt động theo mô hình quản lý nhà nước, nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý của Cục đã có sự chuyển biến tích cực, đã đề ra các nhiệm vụ ưu tiên, tập trung nguồn lực trong xây dựng định hướng phát triển viễn thám, tăng cường hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về viễn thám.Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và đẩy nhanh quá trình xây dựng, các văn bản về quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế đã xây dựng hoặc đưa vào chương trình xây dựng (đã trình Bộ chương trình xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật lĩnh vực viễn thám giai đoạn 2020-2025). Công tác điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin ban đầu được triển khai phục vụ cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thám, chuẩn bị cho xây dựng Luật Viễn thám. Các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước, các đề án, dự án nhiệm vụ chuyên môn được giao về cơ bản hoàn thành đúng thời gian, tiến độ, bảo đảm mục tiêu đề ra. Các nhiệm vụ chuyên môn tập trung vào công tác điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, việc áp dụng công nghệ viễn thám đã được ứng dụng và triển khai trong toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ này đã góp phần tích cực cho công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ và của Chính phủ.Trong năm 2023, Cục Viễn thám quốc gia đã tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các văn bản bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động viễn thám và các văn bản có liên quan như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Đất đai, một số Luật chuyên ngành khác, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng công nghệ, các lĩnh vực chuyên nghành về tài nguyên môi trường và một số Thông tư liên quan. Qua kết quả rà soát cho thấy nhiều nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và thống nhất. Cục đã đề xuất đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật các năm tiếp theo một số văn bản điều chỉnh các nội dung còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn.Công tác tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã tiến hành phổ biến các văn bản về viễn thám và các văn bản quy phạm pháp luật mới tới các đơn vị trực thuộc Cục; triển khai áp dụng quy định kỹ thuật các định mức trong các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn của Cục. Thông qua việc tổ chức thực hiện các đề án, dự án chuyên môn, Cục cũng đã hướng dẫn một số địa phương và đơn vị có liên quan về quy định kỹ thuật và các quy định khác trong quản lý hoạt động viễn thám, trả lời doanh nghiệp trong thủ tục đầu tư cấp phép hoạt động viễn thám ở Việt Nam.Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám, nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh công nghệ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động ứng dụng công nghệ viễn thám; tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ viễn thám. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghệ viễn thám, kinh tế tri thức và tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; liên kết, xã hội hóa về công nghệ viễn thám. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao về việc phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia đã luôn coi đây là vấn đề có tính chất quyết định, đưa công nghệ viễn thám thực sự trở thành công nghệ ứng dụng phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực. Đến thời điểm này, ứng dụng công nghệ viễn thám đã và đang được ứng dụng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên trước hết là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từng bước đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.Để đạt được nhiệm vụ trên, Cục Viễn thám quốc gia đã và đang chú trọng việc xây dựng và ban hành các quy trình ứng dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm có được hệ thống đồng bộ thu nhận, xử lý dữ liệu và sử dụng tư liệu ảnh viễn đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ, giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành và địa phương.