Sign In

Theo dõi, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bằng công nghệ viễn thám

00:00 13/11/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Công nghệ viễn thám đã và đang trở thành công cụ không thể thiếu trong công tác giám sát tài nguyên môi trường nói chung và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quản lý khai thác khoáng sản nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu bảo vệ tài nguyên và môi trường ngày càng tăng cao, giúp quản lý hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Một số khả năng và tính ưu việt của công nghệ viễn thám trong giám sát quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và hoạt động khai thác khoáng sản:

* Đối với việc giám sát quy hoạch kế hoạch sử dụng đất: Việc giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tính tuân thủ với các kế hoạch đã được phê duyệt. Công nghệ viễn thám đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, giúp theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc sử dụng đất thực tế so với quy hoạch được duyệt. Lợi ích của viễn thám trong giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Độ chính xác cao vì cung cấp dữ liệu khách quan, chi tiết về hiện trạng sử dụng đất; Theo dõi liên tục vì hình ảnh vệ tinh được cập nhật thường xuyên, giúp giám sát hiệu quả theo thời gian thực; Tiết kiệm chi phí do giảm nhu cầu khảo sát thực địa, đặc biệt với các khu vực rộng lớn; Tăng cường minh bạch do dữ liệu viễn thám giúp công khai, minh bạch trong quản lý sử dụng đất. Công nghệ viễn thám được sử dụng cho việc giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xây dựng trên cơ sở:

- So sánh hiện trạng sử dụng đất với quy hoạch đã phê duyệt: Thu thập dữ liệu viễn thám định kỳ: Sử dụng hình ảnh từ các vệ tinh như Landsat, Sentinel, WorldView hoặc dữ liệu từ drone để cập nhật hiện trạng sử dụng đất theo thời gian thực. Tích hợp GIS: Kết hợp dữ liệu viễn thám với bản đồ quy hoạch trong hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phân tích không gian. Đối chiếu thực tế và quy hoạch: So sánh dữ liệu hiện trạng với bản đồ quy hoạch, phát hiện những sai lệch như: Sử dụng đất không đúng mục đích; Xây dựng sai vị trí, vượt ranh giới quy hoạch; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

- Giám sát việc sử dụng đất trái phép: Phát hiện thay đổi bất thường: Viễn thám đa thời gian (time-series analysis) giúp phát hiện nhanh chóng các khu vực có thay đổi sử dụng đất bất thường, như lấn chiếm đất công, xây dựng không phép. Xác minh vi phạm: Hình ảnh viễn thám cung cấp bằng chứng khách quan, hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý vi phạm.

- Theo dõi tiến độ thực hiện quy hoạch: Giám sát dự án đầu tư: Theo dõi tiến độ triển khai các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, như khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư. Đánh giá hiệu quả quy hoạch: Kiểm tra mức độ phù hợp và hiệu quả của quy hoạch với thực tế sử dụng đất.

- Hỗ trợ quản lý, điều chỉnh quy hoạch: Phát hiện bất cập trong quy hoạch: Viễn thám giúp phát hiện các khu vực quy hoạch không phù hợp, như thiếu đất công cộng, không gian xanh, hoặc quy hoạch chồng lấn. Đề xuất điều chỉnh quy hoạch: Dữ liệu viễn thám cung cấp cơ sở thực tiễn để đề xuất điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tế phát triển.

- Giám sát các tác động môi trường liên quan đến quy hoạch:  Theo dõi diện tích đất nông nghiệp, rừng: Đảm bảo các khu vực này không bị chuyển đổi trái phép theo quy hoạch. Giám sát khu vực bảo tồn: Phát hiện các vi phạm, như xây dựng trong vùng cấm hoặc khu vực bảo vệ sinh thái.

- Quy trình thực hiện giám sát bằng viễn thám gồm các bước cơ bản: (1) Thu thập dữ liệu viễn thám định kỳ Sử dụng hình ảnh từ vệ tinh (Sentinel, Landsat, WorldView). Sử dụng drone để chụp ảnh ở độ phân giải cao với các khu vực nhỏ; (2) Phân tích dữ liệu viễn thám: Xử lý ảnh để tạo ra bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Sử dụng phần mềm GIS để tích hợp dữ liệu với bản đồ quy hoạch. (3) So sánh và đối chiếu: Phát hiện sự khác biệt giữa hiện trạng và quy hoạch. (4) Đánh giá mức độ tuân thủ. (5) Báo cáo và xử lý: Lập báo cáo về các khu vực vi phạm hoặc cần điều chỉnh. (6) Cung cấp dữ liệu cho các cơ quan chức năng để xử lý.

* Đối với hoạt động khai thác khoáng sản: Lợi ích của viễn thám trong giám sát khai thác khoáng sản: Tăng hiệu quả quản lý: Cung cấp dữ liệu chi tiết và liên tục, hỗ trợ các cơ quan quản lý. Giảm chi phí giám sát thực địa: Hạn chế sự phụ thuộc vào khảo sát trực tiếp. Bảo vệ môi trường: Giảm thiểu rủi ro về môi trường thông qua giám sát thường xuyên. Minh bạch hóa hoạt động khai thác: Tăng cường quản lý và giám sát khai thác hợp pháp.

- Theo dõi sự thay đổi bề mặt do khai thác: Phân tích thay đổi đất đá: Hình ảnh viễn thám giúp phát hiện sự thay đổi bề mặt trái đất qua các giai đoạn khai thác. Giám sát sụt lún đất: Dữ liệu radar khẩu độ tổng hợp (SAR) có thể phát hiện sự lún đất ở các khu vực khai thác ngầm hoặc mỏ lộ thiên. Quản lý hố mỏ và bãi thải: Xác định các khu vực hố khai thác, bãi thải và tình trạng mở rộng của chúng theo thời gian.

- Đánh giá tác động môi trường: Giám sát chất lượng nước: Viễn thám có thể phát hiện ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, chẳng hạn như axit hóa hoặc bùn thải tràn ra các sông, suối. Theo dõi thảm thực vật: Phân tích ảnh vệ tinh để đánh giá sự suy giảm hoặc phục hồi thảm thực vật trong và xung quanh khu vực khai thác. Phát hiện ô nhiễm không khí: Một số cảm biến viễn thám có khả năng đo lường khí thải (SO2, CO2) từ các hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.

- Giám sát sử dụng đất và hoạt động khai thác bất hợp pháp: Phát hiện khai thác trái phép: Phân tích hình ảnh vệ tinh giúp xác định các khu vực khai thác không phép hoặc vượt ranh giới quy định. Kiểm soát sử dụng đất: Theo dõi sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất do hoạt động khai thác khoáng sản.

- Giám sát hiệu quả khai thác: Quản lý trữ lượng khai thác: Viễn thám kết hợp với hệ thống GIS giúp đánh giá mức độ khai thác tài nguyên so với trữ lượng dự kiến. Theo dõi tiến độ khai thác: Cung cấp thông tin liên tục và trực quan về tiến độ khai thác trong các dự án lớn.

- Hỗ trợ quy hoạch và phục hồi môi trường: Lập bản đồ phục hồi môi trường: Viễn thám hỗ trợ lập kế hoạch phục hồi sau khai thác, bao gồm tái tạo thảm thực vật, lấp đầy hố mỏ, và cải tạo bãi thải. Giám sát tái tạo sinh thái: Đánh giá hiệu quả của các biện pháp phục hồi môi trường thông qua hình ảnh vệ tinh.

* Công nghệ chính trong giám sát: Hình ảnh đa thời gian (Time-series analysis): Theo dõi các thay đổi trong khoảng thời gian dài. Radar khẩu độ tổng hợp (SAR): Thu thập dữ liệu bất kể thời tiết hoặc điều kiện ánh sáng. Hình ảnh siêu phổ (Hyperspectral imaging): Nhận diện các chất ô nhiễm và thành phần khoáng sản. Drone (máy bay không người lái): Chụp ảnh độ phân giải cao để theo dõi chi tiết hoạt động khai thác.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở khu vực Đông Bắc Việt Nam, có vị trí từ 20°27' đến 22°19' vĩ độ Bắc và 106°06' đến 107°21' kinh độ Đông, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Đông Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang và phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên. Diện tích tự nhiên của Tỉnh là 831.018 ha, chiếm gần 2,51% tổng diện tích cả nước, và đứng thứ 11 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Tỉnh Lạng Sơn nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; nằm cạnh tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Tỉnh có các tuyến quốc lộ quan trọng đi qua tất cả các huyện, thành phố nối sang các tỉnh bạn, bao gồm tuyến Quốc lộ 1A (Lạng Sơn - Mũi Cà Mau), Quốc lộ 1B (Lạng Sơn - Thái Nguyên), Quốc lộ 3B (Bắc Kạn - Tràng Định), Quốc lộ 4A (Lạng Sơn - Cao Bằng), Quốc lộ 4B (Lạng Sơn - Quảng Ninh), Quốc lộ 31 (Lạng Sơn - Bắc Giang), Quốc lộ 279 (Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Kạn). Vị thế địa kinh tế này của Tỉnh đã đem lại lợi thế rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, cũng như đối với hoạt động ngoại thương trên địa bàn. 

 

Lạng Sơn kết nối thuận tiện với thủ đô Hà Nội (trung tâm kinh tế lớn thứ hai của cả nước). Lạng Sơn là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh - Singapore), là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN. Tỉnh có hơn 231 km đường biên giới Việt - Trung, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu song phương (Chi Ma) và 9 cửa khẩu phụ/lối mở. Lạng Sơn cách Nam Ninh là thủ phủ của Quảng Tây, Trung Quốc khoảng 230 km.

Tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện (Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng và Hữu Lũng); và có 200 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 05 phường, 14 thị trấn và 181 xã).

Nhìn chung, vị trí địa lý của Lạng Sơn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng, tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và đặt ra nhiệm vụ trọng yếu trong bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Lạng Sơn luôn đóng vai trò là một trung tâm kết nối chiến lược giữa thị trường trong nước với thị trường rộng lớn của Trung Quốc thông qua hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; là cửa ngõ quan trọng của nước ta với thị trường Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á qua tuyến đường bộ. Vị trí địa lý của tỉnh Lạng Sơn cùng với giao thông kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng là một lợi thế rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Trong thời gian qua việc theo dõi, giám sát quy hoạch sử dụng đất, các hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng chưa thực sự hiệu quả do công tác giám sát chủ yếu thông qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn, chưa đi vào giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất. Công tác giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đi vào thực chất, chưa được coi trọng do thiếu công cụ và chế tài để kiểm tra, giám sát. Công tác giám sát thường mang tính định kỳ, thời gian cung cấp thông tin giám sát chậm. Các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đang thiếu công cụ giám sát mang tính khách quan, thời sự và hiệu quả. Để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, từ trước tới nay Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy để giám sát việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt như Nghị định số 99/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 của Chính phủ về công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Tuy nhiên, việc giám sát thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thường thông qua báo cáo hàng năm của cơ quan triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đó hoặc thông qua các đoàn kiểm tra, thanh tra. Việc giám sát theo quy trình trên thường dẫn đến các cơ quan quản lý nhận được các thông tin không những chậm về thời gian khiến cơ quan quản lý lúng túng khi đưa ra các kết luận xử lý. Nhiều quy hoạch sử dụng đất 5 năm, kế hoạch sử dụng đất hàng năm chậm triển khai hoặc không triển khai… điều này đã gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh, lãng phí tài nguyên đất, từ đấy dẫn đến nhiều bức xúc nẩy sinh.

Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia. Trong những năm gần đây, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện kế hoạch khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong trong cả nước đang tạo ra nhiều áp lực lên môi trường và đang đứng trước nhiều thách thức cần phải giải quyết, đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ, sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành và ý thức của người dân. Trong đó việc quản lý khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng đặc biệt là gắn với bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập dẫn đến lãng phí, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, chương trình giám giám sát của Quốc hội về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đã được triển khai nhằm chỉ ra những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật; đồng thời đưa ra những đề nghị Chính phủ, các địa phương rà soát, chỉnh sửa để nâng cao công tác quản lý và hoạt động khai thác khoáng sản. Một trong những vấn đề khó khăn trong công tác quản lý khoáng sản hiện nay là cơ quan Nhà nước không đủ nguồn lực để giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm như khai thác khoáng sản trái phép, báo cáo thiếu sản lượng, không đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường. Việc giám sát từ trước đến nay thường cung cấp cho các cơ quan quản lý những thông tin chưa khách quan và chậm về thời gian. Để khắc phục tình trạng trên, cần có các biện pháp giám sát mang tính chủ động, khách quan và thường xuyên hơn tạo mối quan hệ trực tiếp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan triển khai thực hiện các quy hoạch, góp phần công khai hóa, minh bạch hóa nhằm giảm tiêu cực trong sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản có hạn và bảo vệ môi trường đó là ứng dụng công nghệ mới để giám sát việc thực hiện việc quản lý sử dụng tài nguyên khoáng sản. 

Để quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, góp phần công khai hóa, minh bạch hóa giảm tiêu cực trong sử dụng đất đai và thực thi pháp luật, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời tạo mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cần ứng dụng công nghệ mới để giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai. 

Công nghệ viễn thám ngày nay với ảnh vệ tinh độ phân giải siêu cao từ 0,3m đến 5,0m cho ta một kết quả khách quan, sát thực, có hình ảnh cụ thể trực quan trên diện rộng minh chứng cho hiện trạng tình hình thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng đây cũng là công cụ tốt nhất để giám sát việc hoàn nguyên, việc xả thải đất, đá ... trong quá trình khai thác. Các kết quả giám sát được báo cáo kịp thời có bản đồ, số liệu và hình ảnh thực tế kèm theo giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt các thông tin chính xác làm cở sở đưa ra các kết luận xử lý, chấn chỉnh những sai trái trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, khai thác khoáng sản lộ thiên đã được Nhà nước phê duyệt.

Văn phòng Cục Viễn thám quốc gia

Ý kiến