Ngày 22 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2359/QĐ-TTg phê duyệt Phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, với mục tiêu chính là “Xây dựng Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, tạo cơ sở pháp lý cho công tác kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam, tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng các yêu cầu và nghĩa vụ của một nước thành viên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”; Trong đó yêu cầu: + Xây dựng kế hoạch kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần, bao gồm kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng; + Lựa chọn phương pháp luận cho kiểm kê khí nhà kính, hệ số phát thải và xây dựng các hướng dẫn có liên quan đến kiểm kê khí nhà kính; + Cập nhật và hoàn thiện các biểu mẫu thu thập số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính; Bắt đầu từ năm 2016, Cục Viễn thám quốc gia đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu triển khai ứng dụng dữ liệu viễn thám trong xây dựng bản đồ lớp phủ mặt đất toàn quốc phục vụ kiểm kê khí nhà kính thông qua dự án LULUCF với chu kỳ 2 năm một lần để cung cấp dữ liệu và xây dựng báo cáo về lớp phủ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Từ năm 2020, Cục Viễn thám quốc gia đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Phê duyệt “Đề án đặc thù chuyên môn thường xuyên ứng dụng viễn thám giám sát thường xuyên phục vụ các lĩnh vực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường”, trong đó có nhiệm vụ “Cung cấp thông tin lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính” với chu kỳ 2 năm một lần và năm 2022 sẽ là chu kỳ tiếp theo phải hoàn thiện xây dựng thông tin lớp phủ mặt đất. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, ngay từ năm 2021, Cục Viễn thám quốc gia đã phối hợp với Chương trình SilvaCarbon đào tạo và chuyển giao công nghệ mới cho các cán bộ kỹ thuật của Cục nhằm nâng cao độ chính xác cũng như rút ngắn thời gian xây dựng bộ dữ liệu lớp phủ/sử dụng đất bằng dữ liệu viễn thám thông sử dụng hệ thống GLAD (Global Land Analysis and Discovery) là Hệ thống điều tra và phân tích dữ liệu đất đai toàn cầu được phát triển bởi khoa Khoa học địa lý của trường đại học Maryland, Hoa Kỳ. SilvaCarbon là một chương trình hợp tác kỹ thuật liên ngành của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực của các quốc gia nhiệt đới trong việc kiểm kê, giám sát và báo cáo về lưu trữ các-bon của thảm thực vật và các vùng đất khác. SilvaCarbon hỗ trợ các quốc gia xây dựng báo cáo cập nhật hai năm một lần theo Khung minh bạch nâng cao (ETF) của Thỏa thuận Paris năm 2016. Trên cơ sở đó, ngày 22 tháng 3 năm 2022, Chương trình SilvarCarbon đã tổ chức Hội thảo “Báo cáo dự án thí điểm GLAD”. Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo này được diễn ra với các mục đích: - Giới thiệu hệ thống GLAD để lập bản đồ lớp phủ theo quy định của IPCC nhằm hỗ trợ cho việc kiểm kê khí nhà kính quốc gia và báo cáo quốc tế; - Giới thiệu kết quả của dự án thí điểm sử dụng Hệ thống GLAD đã được Chương trình SilvaCarbon đào tạo và chuyển giao công nghệ cho Cục Viễn thám quốc gia năm 2021. - Xác định nhu cầu nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật hơn nữa cho Cục Viễn thám quốc gia trong việc tiến ký thuật xây dựng bản đồ lớp phủ mặt đất phục vụ kiểm kê khí nhà kính. Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện Điều tra và quy hoạch lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Về phía Hoa Kỳ có đại diện cho các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS), Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (USEPA), đại diện các trường Đại Học Colorado, Maryland, Arkansas, Chương trình SilvaCarbon và Servir Mekong. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia đánh giá cao nỗ lực này của các Chuyên gia của Hoa Kỳ cũng như đại diện Chương trình SilvaCarbon tại Việt Nam và các cán bộ kỹ thuật của Việt Nam tổ chức thành công khóa đào tạo tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ viễn thám trong lập bản đồ lớp phủ và tính toán diện tích lớp phủ phục vụ kiểm kê khí nhà kính quốc gia và báo cáo quốc tế của Việt Nam về phát thải khí nhà kính, cũng như các công cụ, nền tảng mã nguồn mở để xử lý số liệu; đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới nói chung và ở Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng. Ông Nguyễn Quốc Khánh cũng nhấn mạnh sau Hội thảo này, Cục Viễn thám quốc gia rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ Chương trình SilvaCarbon cả về mặt công nghệ, kỹ thuật và đặc biệt là trang thiết bị, máy tính có khả năng xử lý dữ liệu viễn thám với dung lượng lớn để có thể áp dụng trong năm 2022 và các chu kỳ kiểm kê tiếp theo. Đồng thời, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận và đề xuất các nội dung hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. Ông Nguyễn Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo Sau phần khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Peter Potapov (Đại học Maryland, Hoa Kỳ) đã giới thiệu Tổng quan về Hệ thống GLAD trong xây dựng báo cáo quốc gia. Tiến sĩ Peter Potapov đã trình bày những thế mạnh, ưu điểm nổi bật của Hệ thống GLAD là sử dụng dữ liệu viễn thám toàn cầu nhất quán trong hơn 40 năm qua với các thuật toán, công cụ phân tích sẵn có đảm bảo độ chính xác cao trong phân loại lớp phủ đa thời gian trên quy mô quốc gia. Tiếp theo, ông Lê Minh Tuấn, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Triển khai công nghệ viễn thám (thuộc Cục Viễn thám quốc gia), trưởng nhóm đào tạo, tiếp nhận công nghệ của Hệ thống GLAD trình bày một số kết quả thí điểm đã triển khai áp dụng thử nghiệm tại khu vực Tây Nguyên. Để đánh giá độ chính xác và tính khả thi của giải pháp mới, Tiến sĩ Leandro Buendia từ Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đã trình bày nội dung “Đánh giá Dữ liệu Sử dụng Đất/ Lớp phủ Đất khu vực Tây Nguyên thực hiện bởi Hệ thống GLAD”, trong đó đưa ra những nhận định và giải pháp kỹ thuật đánh giá độ chính xác kết quả xây dựng bản đồ lớp phủ mặt đất khu vực Tây Nguyên bằng dữ liệu viễn thám thông qua Hệ thống USAID. Báo cáo cho thấy việc sử dụng hệ thống GLAD xây dựng bản đồ lớp phủ mặt đất tại Tây Nguyên có khả năng cải thiện độ chính xác, tính nhất quán và tính hoàn thiện của báo cáo phát thải khí nhà kính trong khu vực. Năm 2008 Năm 2018 Kết quả phân loại lớp phủ bằng hệ thống GLAD Trong nội dung Thảo luận, các nhà quản lý và chuyên gia tham dự Hội thảo đã tập trung vào phân tích và đánh giá giải pháp kỹ thuật mới đã thử nghiệm trong thời gian qua; đặt ra những câu hỏi với các chuyên gia của Hoa Kỳ về giải quyết những khó khăn về mặt dữ liệu viễn thám do mây che phủ trên thực tế khi áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và phương pháp đánh giá độ chính xác. Đồng thời các đại biểu tham dự cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất cải tiến thêm giải pháp kỹ thuật trong Hệ thống GLAD để đáp ứng thêm các nhu cầu xử lý viễn thám phục vụ đa mục tiêu trong thời gian tới. Phát biểu bế mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia đánh giá cao và cảm ơn về sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua Chương trình SilvaCarbon trong thời gian qua; đồng thời mong muốn tiếp tục được hợp tác trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu phù hợp với Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhàn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Nguyễn Quốc Khánh cũng đề xuất sau Hội thảo này Chương trình SilvarCarbon sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Cục Viễn thám quốc gia; trước tiên là trong một số nội dung hợp tác trọng tâm như: - Tiếp tục đào tạo, chuyển giao công nghệ xử lý dữ liệu viễn thám để thành lập bản dồ lớp phủ theo công nghệ mới đang áp dụng tại Hoa Kỳ; - Cung cấp Máy trạm có khả năng xử lý dữ liệu viễn thám với dung lượng lớn; - Hỗ trợ, cung cấp các tài liệu liên quan đến quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng bản đồ lớp phủ từ dữ liệu viễn thám phục vụ kiểm kê khí nhà kính để Cục Viễn thám quốc gia nhằm xây dựng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia xây dựng bộ dữ liệu tính toán phát thải các bon sử dụng tư liệu viễn thám”, làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc; - Xây dựng nội dung và lộ trình hợp tác trong các năm tiếp theo. Với công nghệ mới được chuyển giao, Cục Viễn thám quốc gia sẽ đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường thay đổi công nghệ và đề xuất đưa vào triển khai, áp dụng ngay trong chu kỳ kiểm kê năm 2022. Đây sẽ là cơ sở để Cục Viễn thám quốc gia và Cục Biến đổi khí hậu tư vấn về mặt chính sách, công nghệ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu.