1. Hiện trạng quản lý viễn thám tại địa phươngTheo quy định tại Thông tư 05/2021/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, đảo); quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở. Tại Khoản 13 Điều 2 của Thông tư này quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các sở tài nguyên môi trường như sau:- Tổ chức triển khai thực hiện các đề án, dự án về ứng dụng viễn thám trong điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong phạm vi quản lý;- Xác định nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám của địa phương, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và thống nhất việc thu nhận; thực hiện thu nhận, lưu trữ, xử lý dữ liệu ảnh viễn thám; xây dựng, cập nhật, công bố siêu dữ liệu viễn thám thuộc phạm vi quản lý của địa phương; gửi bản sao dữ liệu và siêu dữ liệu ảnh viễn thám mua từ nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tích hợp vào cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia theo quy định pháp luật;- Thẩm định, quản lý chất lượng sản phẩm viễn thám theo quy định của pháp luật;- Thực hiện các hoạt động bảo đảm hành lang an toàn kỹ thuật và bảo vệ các công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám trên địa bàn theo quy định pháp luật.Theo đó, Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám được thành lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.Hiện nay, Phòng Đo đạc, bản đồ và viễn thám (hoặc Phòng Đo đạc và bản đồ): được tổ chức tại phần lớn các Sở Tài nguyên và Môi trường. Đối với các tỉnh còn lại, được ghép vào các phòng khác (Phòng Đo đạc - Quy hoạch; Phòng Thống kê đất đai, Đo đạc, bản đồ và Viễn thám; Phòng Đo đạc, Bản đồ - Khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu...) hoặc được ghép vào Chi cục Quản lý đất đai, Phòng Quản lý đất đai.Qua các cuộc kiểm tra của Cục Viễn thám quốc gia tại Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh và các báo cáo về hoạt động viễn thám tại địa phương, đối với các cơ quản quản lý tại địa phương, do số lượng biên chế có hạn, cán bộ phụ trách lĩnh vực viễn thám còn ít, tại một số Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có 01 cán bộ phụ trách công tác viễn thám nhưng không được đào tạo cơ bản về viễn thám, thường không có chuyên môn về viễn thám nên không bám sát được các hoạt động viễn thám tại địa phương mình quản lý, cũng như chưa tham gia thẩm định, đánh giá các dự án nhiệm vụ có nội dung liên quan đến viễn thám. Qua làm việc với một số Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lai Châu, Điện Biên về công tác quản lý nhà nước về viễn thám, nguồn nhân lực quản lý và ứng dụng viễn thám, các nhiệm vụ ứng dụng viễn thám trên địa bản tỉnh, hầu hết việc ứng dụng viễn thám chỉ được triển khai với quy mô nhỏ, phạm vi ứng dụng hẹp tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, các tỉnh thành khác gần như chưa triển khai.Thời gian qua tại các Sở Tài nguyên và Môi trường các Thành phố trực thuộc Trung ương đã có một số nhiệm vụ, dự án ứng dụng viễn thám trên địa bàn như giám sát quy hoạch sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, giám sát đảo xa bờ, khai thác khoáng sản, quy hoạch, phân vùng biển hải đảo. Ví dụ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận ứng dụng viễn thám trong giám sát khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án ứng dụng viễn thám trong quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố...Chính vì việc ứng dụng viễn thám tại cấp địa phương còn hạn chế nên công tác quản lý nhà nước chưa thực hiện được trên thực tế. Với chức năng đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước ở địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ thực hiện được việc thống kê nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám trên địa bàn tỉnh và đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám, công nghệ và các ứng dụng viễn thám đến các sở, ban ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên các phương tiện thông tin, Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, hầu như các Sở Tài nguyên và Môi trường đều chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về viễn thám. 2. Một số kiến nghị nhằm giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện quản lý nhà nước về viễn thám tại các địa phương Các địa phương cần huy động sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình triển khai thực hiện nội dung ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Công tác quản lý nhà nước về viễn thám tại địa phương cần chủ động đẩy mạnh, phát huy vai trò quản lý nhà nước trong việc thẩm định các nhiệm vụ, dự án chuyên môn có liên quan đến viễn thám trên phạm vi tỉnh; Sở TNMT các tỉnh cần yêu cầu các đơn vị thuộc tỉnh giao nộp các sản phẩm viễn thám để quản lý và đưa vào cơ sở dữ liệu, cần nắm được các nhiệm vụ, dự án về viễn thám của các đơn vị trực thuộc tỉnh; Đề xuất một số nhiệm vụ như cập nhật cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám, ứng dụng công nghệ viễn thám trong các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị, giao thông vận tải. Ủy ban nhân dân các tỉnh cần tích cực phối hợp với Cục Viễn thám quốc gia để thực hiện các nội dung trong Nghị định 03/2019/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về hoạt động viễn thám, Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 cụ thể là thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 do UBND tỉnh ban hành.Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cần đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí biên chế có chuyên môn nghiệp vụ về viễn thám thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám đồng thời tăng cường phối hợp với Cục Viễn thám quốc gia tổ chức cho các cán bộ có nhu cầu tìm hiểu về viễn thám tham dự các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về viễn thám. Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy chế quản lý hoạt động viễn thám trên toàn tỉnh, xây dựng hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về viễn thám.