Bắc Giang là tỉnh miền núi, thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, chính thức được tái lập và hoạt động theo đơn vị hành chính cấp tỉnh từ ngày 01/01/1997, với diện tích tự nhiên là 389.548,3 ha, gồm 10 huyện, thành phố và 209 xã, phường, thị trấn (sau khi sát nhập theo Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Thực trạng về ứng dụng viễn thám: Bắc Giang cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước, công nghệ Viễn thám còn là lĩnh vực mới, lĩnh vực này chủ yếu thực hiện ở các cơ quan trung ương; thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động trong lĩnh vực viễn thám chưa có, lực lượng kỹ thuật và quản lý về viễn thám còn rất mỏng, chưa được đào tạo tập huấn, chưa có kinh nghiệm, việc tiếp cận với công nghệ rất hạn chế. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ Viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội hầu như chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1143/BTNMT-VTQG ngày 27/3/2019, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1229/UBND-TN ngày 16/4/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường với vai trò là đầu mối đã xây dựng Kế hoạch số 31/KH-TNMT ngày 23/4/2019 về việc thực hiện chiến lược viễn thám tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Kế hoạch đã chỉ rõ mục tiêu thực hiện, phân công nhiệm vụ của các Sở, ngành để điều phối và thực hiện chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn tỉnh. Định kỳ, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo theo đúng quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BTNMT ngày 30/10/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng hợp nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám định kỳ, hàng năm trên địa bàn tỉnh.Viễn thám là công nghệ mới, hiện đại, có khả năng triển khai ứng dụng hiệu quả trên diện rộng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ không gian và tin học đang phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ viễn thám ngày càng trở nên phổ biến. Nhu cầu ứng dụng viễn thám trên địa bàn tỉnh là rất lớn, cụ thể cho một số lĩnh vực như sau: - Quản lý tài nguyên đất (lập, quản lý quy hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai, điều tra đánh giá hiện trạng sử dụng đất; giám sát việc quản lý sử dụng đất rừng, lớp phủ bề mặt. - Quản lý tài nguyên nước (quản lý nước mặt, lưu vực sông, dòng chảy, sạt lở bờ sông, nước thải). - Quản lý địa chất và tài nguyên khoáng sản (điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, quy hoạch quản lý; giám sát hiện trạng bảo khoanh vùng bảo vệ và khai thác; hoàn nguyên sau khai thác; ô nhiễm môi trường khu vực khai thác). - Quản lý bảo vệ môi trường (môi trường khu công nghiệp, chôn lấp rác thải, môi trường làng nghề). - Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu (giám sát thiên tai, đánh giá tác động sau thiên tai; phát thải khí nhà kính, giải pháp ứng phó BĐKH). - Đo đạc và bản đồ (xây dựng bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, hệ thống thông tin địa lý, các loại bản đồ chuyên đề). - Nông nghiệp và phát triển nông thôn (giám sát rừng, giám sát nông nghiệp……). - Các ứng dụng khác về viễn thám. Ngoài ra, cần trang bị máy chủ, máy trạm, hệ phần mềm và các thiết bị khác phục vụ cho công tác nắn ảnh, scan, điều vẽ...Trong thời gian vừa qua được tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước được đào tạo đúng chuyên ngành liên quan đến viễn thám. Công tác quản lý, lưu trữ dữ liệu về tài nguyên và môi trường nói chung, bản đồ và viễn thám nói riêng đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ. Tuy nhiên, hoạt động viễn thám là một lĩnh vực mới, dữ liệu viễn thám chưa được ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành cơ bản sử dụng, khai thác bản đồ địa chính và bản đồ địa hình làm tài liệu nền phục vụ nhu cầu quản lý của từng ngành, lĩnh vực. Chủ yếu sử dụng công nghệ đo đạc trực tiếp để thu thập, cập nhật các thông tin địa lý chưa sử dụng dữ liệu viễn thám. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về viễn thám chưa được thực hiện, do vậy còn hạn chế trong tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý viễn thám tại địa phương. Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực nhằm tiếp nhận, quản lý, làm chủ công nghệ, để đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám tại địa phương còn hạn chế.Để đẩy mạnh hoạt động viễn thám tại địa bàn tỉnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về viễn thám, khả năng ứng dụng về viễn thám rộng rãi đến các Sở, ngành tại các địa phương và cộng đồng.