Sign In

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau 05 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

00:00 15/11/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 phê duyệt “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược viễn thám và cử cơ quan đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước về viễn thám; các bộ, ngành và hầu hết các các địa phương đã thực hiện ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia, Bộ TNMT đã ban hành Kế hoạch nhằm bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược được triển khai cụ thể, rõ ràng, đồng bộ; bảo đảm chất lượng, tiến độ được giao.

Viễn thám là một trong lĩnh vực khoa học có hàm lượng kỹ thuật cao. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về viễn thám luôn được đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước của Bộ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược, trên cơ sở Luật Đo đạc và Bản đồ được Quốc hội thông qua năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền: 12 văn bản (01 Nghị định của Chính phủ; 11 Thông tư). Đây là các văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở trong quản lý nhà nước về hoạt động viễn thám. Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám hiện hành, đã từng bước giải quyết những vấn đề về cơ chế, chính sách pháp luật, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến viễn thám, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội Tuy nhiên, hệ thống các thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật lĩnh vực viễn thám còn chưa đầy đủ nên việc quản lý chất lượng sản phẩm viễn thám còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chưa có chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động viễn thám.

Đối với việc tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, lĩnh vực viễn thám được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và là một trong 09 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Cục Viễn thám quốc gia là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về hoạt động viễn thám. Tại Cục Viễn thám quốc gia, nhân lực quản lý nhà nước tập trung tại bộ phận quản lý của Cục với hơn 30 người. Ngoài ra, có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục hỗ trợ, phục vụ công tác quản lý nhà nước với khoảng 170 người. Hầu hết đội ngũ cán bộ đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám.

Đối với các bộ, ngành khác trực thuộc Chính phủ, mặc dù không quy định cụ thể trong chức năng, nhiệm vụ và không có cơ cấu tổ chức riêng, nhưng nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám thường kết hợp với nhóm quản lý khoa học, công nghệ và môi trường. Một số bộ đặc thù giao cho các cục, vụ chuyên ngành làm đầu mối quản lý như Bộ Khoa học và Công nghệ giao Vụ Công nghệ cao; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giao cho các cục nghiệp vụ kỹ thuật quản lý và phát triển ứng dụng viễn thám,…. 

Đối với địa phương, theo thông tư số 05/2021/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, chức năng quản lý nhà nước về viễn thám được giao cho các Sở Tài nguyên và Môi trường. Đội ngũ công chức, viên chức và nguồn nhân lực về viễn thám tại các địa phương chủ yếu tập trung tại các Sở Tài nguyên và Môi trường. Đối với cấp quận, huyện không bố trí cán bộ phụ trách riêng về lĩnh vực viễn thám. Nhìn chung, tại các địa phương nguồn nhân lực trong lĩnh vực viễn thám còn hạn chế, trình độ chuyên môn chưa cao; vị trí việc làm đang còn thực hiện kiêm nhiệm nên việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý nhà nước chưa phát huy hiệu quả.

Trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám luôn quan tâm đến việc và đã phát triển vệ tinh viễn thámtrạm điều khiển vệ tinh viễn thám, trạm thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trườngtrạm thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám của các bộ, ngành và đã phát triển thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu. Đặc biệt xã hội hóa trong hoạt động viễn thám là quan điểm của Chiến lược phát triển viễn thám đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 nhằm phát huy tiềm năng của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ứng dụng viễn thám. Theo đó, tại các VBQPPL bước đầu đã có quy định để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực viễn thám. Qua điều tra, khảo sát, có khoảng 12 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện triển khai và năm 2024 đã hoàn thành dự án;

Thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2019 về hoạt động viễn thám, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám cho tổ chức, cá nhân phục vụ quản lý và phát triển kinh tế xã hội. Thông tin, dữ liệu viễn thám được dùng để cung cấp thông tin thường xuyên, đột xuất về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, diễn biến môi trường, biến đổi khí hậu và dự báo cảnh báo thiên tai bao gồm: cung cấp thông tin khai thác sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công; giám sát thực hiện quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác quặng bô-xít; cung cấp báo cáo giám sát theo mùa các thông số về nhiệt độ, hàm lượng diệp lục, hàm lượng muối bề mặt nước biển và đưa ra thông tin về cảnh báo môi trường biển; cung cấp thông tin, dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính phục vụ xây dựng báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu; Báo cáo giám sát diện tích đất ngập nước và các khu bảo tồn thiên nhiên phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; Giám sát tình hình biến động các đảo trọng điểm xa bờ; Báo cáo giám sát nhanh thiên tai ngập lụt trên lãnh thổ Việt Nam; Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám…Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, trong đó có dữ liệu viễn thám với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Các biên bản ghi nhớ về phối hợp công tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là hình mẫu trong việc phối hợp công tác cũng như chia sẻ thông tin dữ liệu.

Việc triển khai Chiến lược viễn thám quốc gia đã và đang được thực hiện trong các Bộ ngành và địa phương để tiến tới Việt nam làm chủ được công nghệ chế tạo vệ tinh cũng như đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám.

Phòng Quản lý hoạt động viễn thám

Ý kiến