Sign In

Pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực viễn thám

00:00 18/10/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là việc làm mới của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh pháp điển quy định: “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”. 

Pháp điển có thể được hiểu như sau: Pháp điển là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tập hợp, sắp xếp những quy phạm pháp luật đã có theo một trình tự nhất định; đồng thời, loại bỏ những quy phạm pháp luật lỗi thời, lạc hậu, chồng chéo, xây dựng những quy phạm pháp luật mới; khắc phục những chỗ trống đã được phát hiện trong quá trình tập hợp văn bản, sửa đổi các quy phạm pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý của chúng. Nhờ đó, sau khi pháp điển, chúng ta có một văn bản không những lớn về phạm vi điều chỉnh mà còn có cơ cấu bên trong hợp lý và khoa học. Việc pháp điển hóa sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ và thống nhất. Tuy nhiên, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực định của mỗi quốc gia có sự khác nhau và phương thức thực hiện khác nhau mà mỗi nước có cách làm pháp điển khác nhau. Về cơ bản, có thể chia thành hai cách pháp điển chính: Pháp điển về mặt nội dung và pháp điển về mặt hình thức. 

Pháp điển về mặt nội dung (substantive  codification) là việc xây dựng,  soạn thảo một văn bản pháp luật mới trên cơ sở rà soát, hệ thống hóa, tập hợp các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vào một văn bản với sự sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Cách thức pháp điển này giống như hoạt động lập pháp thông thường. Pháp điển hình thức (formal codification) là việc tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp luật thành các bộ luật theo từng chủ đề với những sửa đổi, điều chỉnh cần thiết về mặt kỹ thuật nhằm làm cho các quy định này phù hợp với nhau nhưng vẫn bảo đảm trật tự pháp lý của các quy định4. Cách pháp điển này có tính chất gần với hệ thống hóa. Ở góc độ pháp điển hình thức hay hệ thống hóa đều là việc tập hợp, sắp xếp đối tượng của hoạt động theo những tiêu chí bảo đảm tính lôgíc, khoa học, dễ tra cứu, tiếp cận (tiêu chí về nhóm nội dung, thứ bậc hiệu lực, thời gian ban hành văn bản).

Bộ pháp điển là một hệ cơ sở dữ liệu dễ tra cứu, dễ sử dụng với nội dung chuẩn xác: Bộ pháp điển là một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, đây là một bộ phận quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, là bước cơ bản của việc thực hiện chủ trương dân chủ, theo đúng đường lối “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế mà trong đó có những cam kết liên quan đến việc minh bạch hóa hệ thống pháp luật. Bộ pháp điển thể hiện tính minh bạch và bảo đảm tính cập nhật của các quy phạm pháp luật thông qua việc bãi bỏ các nội dung không rõ ràng, mâu thuẫn, không phù hợp với Hiến pháp, với các thỏa thuận, cam kết quốc tế trong các quy phạm hiện hành.

Tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển quy định “1. Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; quy phạm pháp luật trong văn bản quy
phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.”

Bộ pháp điển được cấu trúc theo các chủ đề. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Trong mỗi đề mục, tùy theo nội dung có thể có phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm. Trong Bộ pháp điển, đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều được đánh số thứ tự, trường hợp có liên quan đến nội dung khác của Bộ pháp điển thì phải được chỉ dẫn.

Các bước thực hiện pháp điển như sau:

- Rà soát, xác định văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục. 

- Thu thập văn bản. 

- Rà soát, xác định nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản có nội dung thuộc đề mục và thực hiện xử lý, kiến nghị xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế nếu có. 

- Thực hiện pháp điển. 

- Kiểm tra kết quả pháp điển. 

- Tổng hợp, xây dựng Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định.

Năm 2016, Bộ Tư pháp đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng Phần mềm pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Xây dựng công cụ hỗ trợ các cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực để xây dựng Bộ pháp điển giúp cho các cá nhân, tổ chức có thể dễ dàng tra cứu, khai thác và áp dụng hệ thống quy phạm pháp luật. Trong đó, toàn bộ các văn bản QPPL lĩnh vực viễn thám đều đã được pháp điển đầy đủ vào chủ đề Tài nguyên số 27 thuộc Đề mục số 6 được bố cục theo văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Nghị định 03/2019/NĐ-CP về hoạt động viễn thám ngày 04/01/2019 của chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2019, hệ thống các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có giá trị pháp lý thấp hơn được pháp điển theo cấu trúc của Đề mục số 6 này.

Phòng Quản lý hoạt động viễn thám

Ý kiến