Chương trình Landsat của NASA và Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) là chương trình quan trắc Trái đất lâu dài nhất trên thế giới hiện vẫn đang còn hoạt động với lịch sử phát triển trong hơn 50 năm qua. Loạt các vệ tinh Landsat đã cung cấp liên tục dữ liệu về bề mặt Trái đất từ không gian kể từ năm 1972, cho phép các nhà nghiên cứu và quản lý tài nguyên theo dõi những thay đổi trong môi trường tự nhiên và môi trường chịu sự tác động của con người. Chương trình vệ tinh dân sự này được khởi lập để thành lập bản đồ, giám sát và quản lý các tài nguyên thiên nhiên của Trái đất.Tiếp nối những thành công của chương trình Landsat, chương trình Landsat Next sẽ kế tục không chỉ để đảm bảo tính liên tục của dữ liệu không gian về bề mặt Trái đất mà về cơ bản sẽ có những biến đổi sâu rộng về thông tin cung cấp miễn phí đến người sử dụng. Landsat Next, một sứ mệnh chung của NASA và Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), được thiết kế để cung cấp dữ liệu về bề mặt thay đổi của Trái Đất với tần suất thường xuyên hơn, độ phân giải tốt hơn và có số kênh phổ nhiều hơn so với các vệ tinh tiền nhiệm.Landsat Next với 15 kênh phổ mới trong tổng số 26 kênh phổ hỗ trợ cho các ứng dụng người dùng mới nổiLandsat Next dự kiến sẽ bao gồm ba vệ tinh nhỏ giống hệt nhau, được phóng cùng một lần lên quỹ đạo vào cuối năm 2030, hoạt động ở độ cao 653 km cách nhau 120o, để nối tiếp Landsat 8 và Landsat 9. Dữ liệu từ chùm vệ tinh sẽ nhất quán với dữ liệu của các vệ tinh Landsat trước đây để nghiên cứu về lớp phủ mặt đất và biến đổi sử dụng đất trong một giai đoạn nhiều thập kỷ. Với cấu hình của chùm ba vệ tinh nhỏ, Landsat Next có thể cung cấp năng lực chụp ảnh với tần suất 6 ngày tại vị trí xích đạo. Và nếu kết hợp với Landsat 8 và Landsat 9, dữ liệu ảnh thậm chí sẽ có tần suất cao hơn phù hợp với việc theo dõi các quá trình biến đổi nhanh như chất lượng nước, sức khỏe cây trồng và tai biến tự nhiên.Landsat Next cũng sẽ thu thập dữ liệu ảnh với độ phân giải cao hơn với kích thước phần tử ảnh từ 10 m đến 20 m trên hầu hết các kênh phổ so với kích thước 30 m của Landsat 9.Các thiết bị cho phép thu nhận dữ liệu trên 26 kênh phổ từ vùng phổ nhìn thấy đến vùng phổ hồng ngoại sóng ngắn và vùng phổ hồng ngoại nhiệt. Các kênh phổ mới được thêm vào Landsat Next để đáp ứng nhu cầu khoa học và người dùng đang phát triển. Ví dụ, các kênh mới trong vùng phổ nhìn thấy sẽ giúp các nhà khoa học và người quản lý tài nguyên quản lý chất lượng nước bằng cách xác định chất diệp lục hoặc chất hữu cơ hòa tan trong nước cũng như tảo nở hoa của có hại. Các kênh rìa đỏ và hồng ngoại sóng ngắn sẽ giúp xác định sự căng thẳng của rừng hoặc đất trồng trọt. Các kênh cận hồng ngoại và hồng ngoại sóng ngắn mới sẽ cung cấp thông tin về trạng thái bề mặt bang tuyết, hàm lượng nước và động lực đóng băng - tan băng trong điều kiện khí hậu biến đổi.Các kênh phổ “di sản” từ Landsat cũng được điều chỉnh. Ví dụ, kênh SWIR2 của Landsat 8 và Landsat 9 được chia thành ba kênh để tiến tới các ứng dụng mới trong quản lý nông nghiệp và tác động của phụ phẩm nông nghiệp lên độ phì nhiêu của đất, năng suất cây trồng và quá trình cô lập carbon. Landsat Next cũng sẽ tăng số kênh hồng ngoại nhiệt từ hai lên năm nhằm cung cấp các trị đo về độ phát xạ bề mặt, cải thiện việc ước tính nhiệt độ bề mặt và hỗ trợ lập bản đồ khoáng sản.